Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, thiên nhiên ưu đãi cho nước ta nhiều loài cỏ cây hoa trái, mỗi loài có tác dụng chữa bệnh riêng. Vào giờ ngọ (11-13h) ngày 5 tháng 5 là thời khắc dược tính trong các loại cây cỏ đạt đến mức cao nhất. Vì vậy, người dân thường đi hái các loại cây cỏ về băm nhỏ, phơi khô làm thuốc và trà, bảo quản cẩn thận để gia đình dùng cho cả năm.
Để chống lại thời tiết khắc nghiệt của mùa hè và nâng cao sức khỏe quanh năm, người Việt sử dụng cây thuốc Nam làm trà giúp mát gan, bổ thận. Trà thảo dược có tác dụng thanh lọc làm mát cơ thể thải độc và bồi bổ sức khỏe, giúp tăng cường sức đề kháng. Các loại cây thường được người Việt hái về uống tươi hoặc phơi khô uống dần như: lá chè, lá vối, râu ngô, diệp hạ châu, cỏ ngọt… Các loại trà từ thuốc Nam rất gần gũi trong thiên nhiên, có mùi vị thơm ngon, hợp khẩu vị với nhiều người, có tính phòng trị bệnh rất cao, trà thảo dược đã trở thành món nước uống hàng ngày, là nét văn hóa của nhân dân ta.
Nước ta khí hậu nóng ẩm gió mùa sinh ra nhiều loại côn trùng ảnh hưởng đến sức khỏe từ bao đời nay, ông cha ta đã nghĩ ra phương cách để chống lại thông qua các phong tục vào ngày tết Đoan ngọ. Một trong những tục độc đáo là “Treo lá ngải ngày Tết Đoan ngọ” kết con giáp bằng lá ngải khô có mùi hắc có thể xua đuổi côn trùng. Khi bị sâu bọ đốt thì dùng lá ngải tán nhỏ đắp lên vết thương. Ngoài ra, để phòng các loại muỗi, kiến, gián, rắn, rết… người Việt còn dùng các loại cây thuốc Nam có chứa tinh dầu diệt khuẩn để xông nhà như: bồ kết, tỏi, quế, sả, vỏ bưởi... Các loại thảo dược trên giúp khử trùng không khí, giúp hô hấp thông thoáng, dễ thở tăng sức đề kháng vẫn được nhân dân sử dụng trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Do vị trí ở vùng nhiệt đới gió mùa với những đặc trưng nóng ẩm, mưa nhiều nên người dân Việt Nam hay mắc các bệnh về phong thấp, hàn thấp. Bên cạnh đó có những loài thủy hải sản ăn vào dễ đầy bụng khó tiêu hay gây những bệnh về đường tiêu hóa. Chính vì vậy, ông cha ta đã biết lấy các loại cây thuốc gần gũi với đời sống để chữa bệnh như: cảm mạo dùng lá thơm xông; hạ sốt dùng nhọ nồi, cúc tần, lá hẹ, rau diếp cá; đau nhức xương khớp dùng lá lốt, cây đau xương, ngải cứu, xương bồ; đau đầu, đau bụng dùng cây ngải cứu sắc uống, sài đẹn, mụn nhọt dùng sài đất, lá khế… Những kinh nghiệm trên đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt.