Ẩm thực ngày tết của người Việt là sự hội tụ của tinh hoa đất trời với các món ăn vô cùng phong phú và đặc trưng. Mâm cỗ tết truyền thống không thể thiếu bánh chưng, bánh dày, bánh tét, xôi gấc, thịt gà, nem, giò lụa, giò xào, thịt đông, dưa hành, canh măng bóng bì… Ba ngày tết, mọi thành viên của gia đình cùng thưởng thức những loại mứt được làm từ gừng, dừa, quất, hạt sen, cùng hạt bí, hạt dưa, kẹo lạc, kẹo dồi. Đặc biệt, xưa lễ tết cũng là dịp nhân dân cả nước gửi những đặc sản của quê mình lên tiến vua, trong đó có bánh phục linh, rượu sen, rượu cúc.
Teo tục lệ thường cổ truyền xưa, sau lễ cúng giao thừa là đốt pháo giấy. Dân gian tin rằng ma quỷ rất sợ tiếng động nên tiếng pháo nổ của năm mới sẽ xua đuổi ma quỷ và những điều xấu của năm cũ đi và cũng là tín hiệu chào đón thời khắc của năm mới. Pháo nổ càng to và lâu, xác pháo cháy hết thì được cho là điềm lành của năm mới. Tuy nhiên do nguy cơ cháy nổ, sát thương và ô nhiễm môi trường nên tục đốt pháo đã bị cấm từ những thập kỷ 90.
Tết Nguyên đán là tết của sự trở về, gia đình và người thân vui vầy sum họp. Vào sáng mồng một, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ về bên nội để chúc tết cha mẹ, ông bà nội; mồng hai thì sang bên ngoại; mồng ba là ngày lễ tết thầy. Đây cũng là dịp con cháu “chúc thọ” ông bà, cha mẹ thật nhiều sức khỏe. Các cháu nhỏ được ông bà, cha mẹ mừng tuổi trong túi lì xì đỏ với ý nghĩa lấy may và mong con cháu hay ăn chóng lớn, chăm ngoan, học giỏi. Phong tục chúc Tết và mừng tuổi bày tỏ lòng hiếu thảo, sự tôn kính, tình thương yêu của mọi người.
Khai bút đầu xuân là một nét tinh hoa trong nền văn hóa thể hiện tinh thần hiếu học. Trong cung đình, nhà vua khai bút trên giấy rồng cầu cho mưa thuận gió hòa, ban phúc cho muôn dân, nêu cao tinh thần trung nghĩa của các đại thần và răn mình. Trong dân gian, thầy đồ, học trò… ăn mặc chỉnh tề, đốt hương trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và hạ bài viết trên giấy hoa tiên hoặc giấy hồng điều. Mỗi người đều thành tâm viết lên những câu chữ gửi gắm ước nguyện tốt đẹp trong năm mới và tin rằng viết chữ đẹp thì cả năm mọi việc sẽ hanh thông.
Tục xin chữ và cho chữ đầu xuân biểu trưng cho truyền thống tôn sư trọng đạo và trọng chữ nghĩa. Những người được xin chữ thường là các vị quan thanh liêm, nho sĩ, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ không chỉ mong xin được chữ đúng với ý nguyện của bản thân, gia đình mà còn mong xin được cái phúc, cái tài của người cho chữ. Tùy theo từng lứa tuổi, từng hoàn cảnh mà mỗi người, mỗi năm lại xin một chữ khác nhau. Học trò thường xin chữ Tuệ, Trí, Tài…; nam thanh nữ tú xin chữ Danh, Duyên...; người buôn bán xin chữ Vượng, Thịnh, Lộc...
Đã từ rất lâu đời du xuân trở thành một trong những hoạt động quen thuộc của người dân Việt Nam. Ngày xưa, các vua quan thường tổ chức du xuân đầu năm, vua mặc áo long bào đi trước, các quan theo sau với mong muốn cầu một năm mới quốc thái dân an. Ngày nay, sau khi chúc tết, các gia đình thường đi du xuân tham quan cảnh đẹp của chốn dân gian, dự hội, lễ chùa. Tất cả hoạt động du xuân đều diễn ra trong không khí vui tươi, tràn đầy sức sống của mùa xuân.
Vui chơi ngày xuân không thể thiếu các trò như chơi đu, đánh cờ, kéo co, đập niêu... Thông qua các trò chơi dân gian đầy vui nhộn và bổ ích đã tạo ra một sân chơi lý thú cho các em nhỏ, góp phần giáo dục các kỹ năng sống, đồng thời giúp các em hiểu sâu hơn và trân trọng hơn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong những năm gần đây, khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã trở thành một điểm đến yêu thích của các bạn nhỏ.