Tết Trung thu hay còn gọi là Tết thiếu nhi, Tết trông trăng diễn ra vào Rằm tháng Tám, là ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Đây là thời điểm khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, nhân dân ta mở hội cầu mùa, ca hát, vui chơi. Vào đêm Rằm, trẻ con rước đèn, múa sư tử; người lớn thưởng trăng, ăn bánh, uống trà hoặc uống rượu sen với ốc và một số nơi còn hát trống quân.
Từ triều Lý, Trung thu là lễ tiết quan trọng của đất nước. Nhà vua tổ chức lễ hội với hoạt động cúng tổ tiên, đua thuyền, diễn rối nước, rối cạn… Sang thời Trần, các nhà quý tộc uống rượu, ngâm thơ, dạo ngắm phong cảnh. Đến đời Lê - Trịnh, Phủ Chúa được trang hoàng rực rỡ bằng các loại đèn tinh xảo, lộng lẫy.
Từ đầu tháng Tám, các bậc cha mẹ đã chuẩn bị đèn cho con. Vào đêm Rằm, trẻ em ríu rít gọi nhau, mỗi bạn trên tay đều cầm một chiếc đèn ông sao, đèn lồng, đèn cù, đèn thỏ… được thắp sáng lung linh và đi chơi khắp thôn xóm. Trẻ em nô nức vừa rước đèn vừa múa hát dưới ánh trăng thu.
Đèn kéo quân là loại đèn độc đáo có lồng “biết” xoay tròn, kéo theo bao nhiêu hình gọi là các “quân”. Sau này, các “quân” được cải tiến có chủ đề đa dạng như: ông quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh nhảy múa, thầy trò Đường Tăng... Hiện nay, thôn Đàn Viên (Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội); làng Mật Sơn (Đông Vệ, Thanh Hóa) vẫn làm đèn kéo quân.