Mặt nạ giấy bồi là đồ chơi Trung thu ưa thích của trẻ em. Trải qua nhiều công đoạn xé giấy, dán khuôn, phơi khô, vẽ màu, nghệ nhân tạo ra những chiếc mặt nạ thật ngộ nghĩnh. Chủ đề gắn liền với đời sống như: con trâu, con lợn, con thỏ và các nhân vật Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không... Hiện nay, đồ chơi này còn được làm từ các nghệ nhân phố cổ Hà Nội, làng Hảo (Hưng Yên), làng Đông Khê (Bắc Ninh).
Một bộ phỗng đất thường có đức Phật, cụ già, em bé, chim, rùa. Đức Phật ở vị trí trung tâm mang ý nghĩa giáo dục con cháu sống hiền lành, lương thiện. Cụ già, em bé là sự kết nối thế hệ. Chim tượng trưng cho khát vọng hòa bình. Rùa là con vật linh thiêng, tượng trưng cho sự che chở, vững bền. Phỗng được làm từ đất sét được phơi khô, phủ bột điệp rồi vẽ các màu cơ bản.
Đồ chơi sắt tây là món đồ chơi đắt giá của đất Hà thành, xuất hiện khoảng đầu thế kỷ XX. Tận dụng vỏ lon, hộp, những thợ thiếc làng Khương Hạ xưa đã tạo ra hàng trăm mẫu nhưng ngày nay chỉ còn các mẫu phổ biến như: còi, kèn, thỏ đánh trống, con bướm. Hấp dẫn trẻ em nhất là chiếc tàu thủy có thể chạy trong nước. Hiện nay, chỉ còn nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng duy trì nghề.
Tò he là loại đồ chơi được nặn từ bột gạo, có lịch sử từ trăm năm trước ở làng Xuân La (Phú Xuyên, Hà Nội). Ban đầu loại đồ chơi này có hình con chim, cò... sau này được gắn thêm chiếc kèn ống, khi thổi kêu “tò te” nên đọc chệch thành “tò he”. Từ nguyên liệu gạo được ngâm nước, xay nhuyễn, luộc chín rồi nhuộm các màu tự nhiên, các nghệ nhân khéo léo nặn thành nhiều nhân vật đáng yêu.