Bộ phỗng giấy gồm một con chim, một con cá, một con rùa, trung tâm là cậu bé và ông quan. Bộ đồ chơi có ý nghĩa khuyến khích tinh thần học tập và hướng thiện của con cháu. Nghệ nhân dùng khuôn của từng nhân vật rồi cẩn thận bồi các lớp giấy có dán hồ. Khi giấy khô thì mới trang trí họa tiết và vẽ các chi tiết cho nhân vật. Hiện nay, gia đình ông Hoàng Bá Nhất (Thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vẫn còn làm phỗng giấy.
Mặt nạ giấy bồi là đồ chơi Trung thu ưa thích của trẻ em. Trải qua nhiều công đoạn xé giấy, dán khuôn, phơi khô, vẽ màu, nghệ nhân tạo ra những chiếc mặt nạ thật ngộ nghĩnh. Chủ đề gắn liền với đời sống như: con trâu, con lợn, con thỏ và các nhân vật Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không... Hiện nay, đồ chơi này còn được làm từ các nghệ nhân phố cổ Hà Nội, làng Hảo (Hưng Yên), làng Đông Khê (Bắc Ninh).
Đồ chơi được làm từ nguyên liệu giấy bóng kính kết hợp với khung tre, khi thắp nến mang lại ánh sáng lung linh, huyền ảo. Những chiếc đèn ông sao như một vì sao tinh tú trong ngày hội rực rỡ của bầu trời; chiếc đèn cù quay tít; đèn cá chép hóa rồng thể hiện khát vọng vươn lên cùng các loại đèn con thỏ, con gà, tàu thủy… đẹp mắt làm cho đêm rằm tháng Tám thật rực rỡ và ấm cúng. Xưa các gia đình tự tay làm cho con hoặc mua ở Phố cổ chuyên bán đèn Trung thu. Ngày nay, làng Hạ Thái (Hà Nội) và Báo Đáp (Nam Định) vẫn duy trì làm các đồ chơi bóng kính.
Đồ chơi sắt tây là món đồ chơi đắt giá của đất Hà thành, xuất hiện khoảng đầu thế kỷ XX. Tận dụng vỏ lon, hộp, những thợ thiếc làng Khương Hạ xưa đã tạo ra hàng trăm mẫu nhưng ngày nay chỉ còn các mẫu phổ biến như: còi, kèn, thỏ đánh trống, con bướm. Hấp dẫn trẻ em nhất là chiếc tàu thủy có thể chạy trong nước. Hiện nay, chỉ còn nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh Hùng duy trì nghề.