Trong các triều đại phong kiến, Vua là Thiên tử, coi trời đất là cha mẹ, lấy lễ nghi làm đạo trị nước. Trong các ngày lễ tiết, triều đình tổ chức những nghi lễ rất tôn nghiêm và trang trọng. Vào ngày tết Đoan Ngọ, nghi thức tế lễ được diễn ra tại Thái Miếu, điện Chí Kính để nhớ ơn đến các vị tiên đế, sau đó vua về ngự tại điện Cần Chính làm lễ thường triều và triều đình tiến hành lễ ban quạt cho các quan. Vào ngày tết nửa năm, vua tôi cùng vui mừng, lễ ban quạt là nghi thức có ý nghĩa ban “gió lành” cho bách tính.
Trước ngày Tết Đoan Ngọ, các quan làm bản kê đồ tế lễ tại Thái Miếu và điện Chí Kính để đệ trình. Sau khi được vua phê chuẩn, các quan Thần trù (chịu trách nhiệm nấu cỗ), quan Lương uẩn (chịu trách nhiệm nấu rượu), quan Thần cung (trông coi việc cúng tế) chuẩn bị lễ vật và các công việc cho ngày chính lễ vào ngày Tết Đoan Ngọ. Lễ vật bao gồm: 1 con trâu sống, 1 con bò chín, 10 hộp đồ ăn chín, 10 thúng xôi, 10 sọt dưa, 1 vò rượu ngon. Đến ngày tết Đoan Ngọ, trăm quan kính cẩn làm lễ tại Thái Miếu và điện Chí Kính.
Ngày Tết Đoan Ngọ, triều đình quy định trong điển lễ thực hiện nghi thức thường triều tại điện Cần Chính. Các quan văn võ đầu triều vào làm lễ chúc mừng vua. Sử sách có ghi lại năm 1503, có sao Chổi mọc ở phương Đông, nhà vua Lê Hiến Tông ban thơ ngự chế đề trên quạt tỏ ý khuyên răn:
“Nửa đêm sao Hỏa mọcHàng năm, quan Phiến (quạt) cùng quan Công bộ lập bản kê đưa sang bộ Hộ phát tiền công khâm ban để chuẩn bị quạt ban vào Tết Đoan Ngọ. Nhà vua ban quạt cho các Hoàng thân, Vương thân, quan văn võ tại chức, binh doanh các cơ, đội thuộc bộ. Trong thời khắc chuyển mùa của Trời - Đất từ xuân sang hè, hình thức ban ân điển bằng quạt trong dịp Tết Đoan Ngọ càng trở nên ý nghĩa hơn, đó là ban “Phúc lành, Sức khỏe, Bình an”.
Để phục vụ lễ ban quạt của vua, triều đình quy định bộ Hộ phát tiền công giao cho làng Đào Xá làm quạt. Làng Đào Xá xưa thuộc tổng Ngọc Cục, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là làng Đào Quạt thuộc xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Đây là làng nghề làm quạt nổi tiếng, sau di chuyển lên đất kinh kỳ lập nên phố Hàng Quạt, dựng đình thờ ông tổ nghề quạt là đình Xuân Phiến. Đào Xá là làng duy nhất có vinh dự được triều đình lựa chọn để làm quạt sử dụng trong nghi lễ ban quạt của vua vào ngày Tết Đoan Ngọ.
Làng Đào Xá xưa có những người thợ tài hoa làm ra những chiếc quạt quý được sử dụng trong cung đình. Với những chất liệu quý như ngà voi, đồi mồi, quạt dùng trong cung đình được trang trí lưỡng long vờn ngọc, đôi phượng múa, chầu đăng đối bên mặt trời mây ngũ sắc, diềm hoa chanh, hoa dây hay đường triện được nhài bằng đồng hoặc bạc. Tầng lớp quan lại, quý tộc còn dùng các loại quạt nan tre phất giấy dó. Ngoài ra, làng Đào Xá còn làm các loại quạt phục vụ đời sống của người dân.