1. Tục giết sâu bọ
2. Tục hái thảo dược làm thuốc
3. Tục đeo bùa ngũ sắc
4. Tục treo lá ngải/cây xương rồng
5. Tục gội đầu/xông nước lá thơm
6. Tục nhuộm móng tay móng chân
7. Tục xâu lỗ tai cho bé gái
8. Tục mặc áo dấu cho trẻ em
9. Tục chúc tết - sêu tết
10. Tục đổ bệnh cho cây
11. Tục khảo cây
Theo quan niệm xưa, trong bộ phận tiêu hóa của con người thường có sâu bọ (giun, sán ký sinh). Loài sâu bọ này nếu không trừ đi sẽ sinh sản ngày một nhiều hơn và gây tai hại cho con người, nhưng giết sâu bọ không phải là chuyện dễ dàng và không phải vào bất cứ thời gian nào. Chỉ đến ngày mồng 5 tháng 5 lũ sâu bọ mới ngoi lên, đây là cơ hội quan trọng để giết bỏ chúng. Mọi người ăn rượu nếp, hoa quả, bánh gio để giết sâu bọ, tăng cường sức khỏe.
Thăng Long xưa, rượu nếp gảy của làng Tó nổi tiếng nhất vùng sông Nhuệ (nay là xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì).
Nguyên liệu:
- Gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung, nếp cẩm chỉ sát vỏ trấu không bỏ đi lớp áo cám vàng óng.
- Men rượu được làm từ bột gạo và thuốc bắc.
Qui trình/Cách làm:
- Gạo vo sạch, để ráo nước, đồ chín 2 lượt (lượt 1 gọi là đồ đi thường là 45’, lượt 2 gọi là đồ lại từ 30-35’, để nguội).
- Ủ cơm với men trong 3 ngày. Rượu nếp chín sẽ tơi, săn tròn, bóng mẩy, tiết ra nước cốt màu vàng nâu, thơm nồng và ngọt.
Khi ăn, gạo nếp được gảy ra cái chén nhỏ hoặc gói trong lá sen, rồi tưới nước cốt vào để ăn.
Bánh gio hay còn gọi là bánh ú tro, bánh nẳng, một loại bánh truyền thống không thể thiếu của tết Đoan Ngọ, tương truyền là sản vật tiến vua.
Nổi tiếng là bánh gio làng Hạ Mỗ (Hà Nội), Đắc Sở (Hà Nội), Tây Đình (Vĩnh Phúc), Xuân Lũng (Bắc Ninh), Quảng Yên (Quảng Ninh), Thanh Sơn (Phú Thọ), Yên Lãng (Thanh Hóa)...
Nguyên liệu:
- Gạo nếp cái hoa vàng/nếp nhung; lá dong/lá chuối
- Nước tro: Thảo dược tạo nước tro tùy thuộc vào từng vùng miền: vỏ bưởi, cây vừng, tầm gửi, cây thầu dầu, vỏ quả xoan.
Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung ngâm với nước tro và gói bởi lá dong, lá chuối.