Tết Nguyên đán hay còn gọi là “tết cả”, “tết ta” hay “tết âm lịch” là tết đầu tiên mở đầu của một năm. Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp trong năm cũ và kết thúc vào ngày mùng 7 tháng Giêng của năm mới với nhiều nghi lễ long trọng diễn ra ở cung đình và dân gian. Mọi công việc đều tạm ngưng dành cho việc tế tự tổ tiên, nghỉ ngơi, sum họp, thăm hỏi người thân và dành cho nhau những lời chúc mừng tốt đẹp.
Vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều nghi lễ được tổ chức thể hiện sự tôn nghiêm và quyền uy của triều đình. Dưới thời Lê - Nguyễn, trước tết, các nghi lễ diễn ra như: lễ cúng táo quân, lễ ban sóc (ban lịch), lễ tiến xuân ngưu (rước trâu và thần Câu mang), lễ phất thức (lau rửa và niêm phong ấn), lễ cáp hưởng (mời các vị tiên đế về ăn tết), lễ thướng tiêu (dựng cây nêu). Các lễ trong tết và sau tết như: lễ trừ tịch, lễ tế tổ tiên, lễ chúc thọ nhà vua và ban tiền ban yến cho bách quan, lễ tế giao (tế trời), lễ du xuân, lễ khai hạ (hạ cây nêu), lễ khai ấn (mở ấn).
Hàng năm, vào ngày Lập xuân, Triều đình cử hành lễ Tiến xuân ngưu. Trước đó, Bộ Công làm 1 trâu đất lớn, 1 thần câu mang lớn và 1215 trâu nhỏ và tượng thần câu mang nhỏ. Câu mang là vị thần cai quản mùa xuân trong hình dáng một cậu bé chăn trâu tay cầm cây roi liễu, thần cao 3 thước 6 tấc 5 phân tượng trưng cho 365 ngày, roi của thần dài 2 thước, 4 tấc tượng trưng cho 24 tiết khí trong năm. Xuân ngưu là trâu đất mùa xuân, thân cao 4 thước tượng trưng cho 4 mùa, thân dài 8 thước tượng trưng cho 8 tiết, đuôi dài 1 thước, 2 tấc tượng trưng cho 12 tháng. Thần Câu mang và xuân ngưu được tô 5 màu theo màu ngũ hành. Vào đúng ngày, triều đình tổ chức lễ tế vị thần mùa xuân, Tiến xuân ngưu lên vua và Ban xuân ngưu cho các quan và cung miếu trong kinh thành Thăng Long.
Theo thông lệ, đàn tế được dựng ở phường Đông Hà - phía đông kinh thành Thăng Long ứng với hướng cổ của mùa xuân. Vào buổi chiều trước ngày Lập xuân, thần Câu mang và xuân ngưu được rước đến đàn tế. Đến nửa đêm, quan Phủ doãn phủ Phụng Thiên cùng hai quan huyện úy huyện Thọ Xương, Quảng Đức và dân các phường buôn bán rước Mang thần và trâu đến đền Bạch Mã. Tới đền, trâu để ở ngoài, rước Mang thần vào giữa tiền đường, khoảng từ 4-5h sáng, các quan làm lễ. Lễ phẩm tế thần gồm 1 con lợn, 1 vò rượu, 1 nong xôi, trầu, cau, hương, nến... Lễ xong, Mang thần được quấn trong một chiếc chiếu và mang chôn ở nơi đất sạch đã được thầy địa lý xem.