Tết Trung thu diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám hàng năm còn gọi là tết trông trăng. Từ thời Lý, Trung thu là lễ tiết quan trọng của đất nước với hoạt động cúng tổ tiên, đua thuyền, diễn rối nước... Khắp nơi trong kinh thành Thăng Long được trang hoàng gấm vóc, đèn hoa lộng lẫy, nhân dân nô nức đi xem. Trong phong tục dân gian truyền thống, Trung thu không chỉ là ngày tết của trẻ thơ mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum vầy bên nhau.
Năm nay, trong bối cảnh tình hình dịch Covid 19 diễn ra khá phức tạp, tết Trung thu có lẽ vì thế mà trở nên đặc biệt hơn vì nó đã trở về đúng nghĩa là tết của gắn kết tình thân, sẻ chia yêu thương. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội với mong muốn thông qua công nghệ thông tin, truyền tải đến du khách những ý nghĩa quan trọng của ngày tết Trung thu. Các em nhỏ cùng những người thân của mình vẫn được trải nghiệm một mùa Trung thu sum vầy, an toàn và ngập tràn niềm vui đoàn viên.
Vào ngày Rằm tháng Tám, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, ban ngày cùng làm cỗ cúng gia tiên, buổi tối bày cỗ thưởng trăng. Đặt ở vị trí trang trọng nhất trong mâm cỗ là ông tiến sĩ giấy và ông đánh gậy trông trăng; tiếp đến là bánh nướng, bánh dẻo cùng các sản vật mùa thu như cốm, bưởi, hồng, na, lựu, chuối cùng hai chú chó bằng tép bưởi... Ngoài ra, còn có giò ốc nhồi lá gừng và gỏi cá trắm uống với rượi tăm Hồ Tây gợi nên phong vị mùa thu. Hấp dẫn các em nhỏ nhất chính là sự đa dạng của các loại đồ chơi như đèn lồng, trống, đầu sư tử, tàu thủy sắt tây, con giống bằng bột màu sặc sỡ... Mâm cỗ thể hiện sự gắn kết yêu thương gia đình, cùng mong ước mọi điều tốt lành, bình an, con cháu học hành giỏi giang.
Từ cảm hứng về vầng trăng tròn đầy trong lễ thưởng nguyệt, người xưa đã gắm gửi tình cảm của mình trong chiếc bánh tròn trịa được gọi là “Nguyệt bính”, “Nguyệt đoàn” hay còn gọi là bánh Trung thu. Bánh Trung thu thể hiện ước mong mọi sự được viên mãn trong không khí sum vầy. Bằng nguyên liệu chính là sản vật tự nhiên như: hạt sen, hạt bí, hạt dưa, mỡ lợn, lá chanh, đậu xanh, bột gạo… những chiếc bánh nướng, bánh dẻo được làm ra có vị thơm ngọt, hòa quyện. Vào ngày Rằm tháng Tám, mọi người cùng nhau ăn bánh, uống trà, thưởng thức vẻ đẹp huyền ảo của vầng trăng, cảm nhận sự nồng ấm của tình cảm gia đình.
Ngày tết Trung thu, khắp nơi đều rộn lên không khí tưng bừng, tươi vui. Nhà nhà, người người đều háo hức chuẩn bị đèn Trung thu cho con trẻ trong đêm rằm phá cỗ. Những chiếc đèn với vô số hình dáng xinh đẹp sáng rực trong đêm rằm tháng Tám. Trẻ em ríu rít gọi nhau, mỗi bạn trên tay đều cầm một chiếc đèn ông sao, đèn lồng, đèn cù, đèn thỏ… được thắp sáng lung linh và đi chơi khắp thôn xóm. Trẻ em nô nức vừa rước đèn vừa múa hát dưới ánh trăng thu. Sau đó, trẻ cùng ông bà, bố mẹ phá cỗ thưởng trăng, cầu mong những điều bình yên, tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình.