LỜI GIỚI THIỆU
Đông kinh (Thăng Long - Đông Đô) và Lam Kinh (Lam
Sơn) hai địa danh quan trọng gắn liền với cuộc khởi
nghĩa Lam Sơn và sự xác lập của vương triều Lê sơ
trong lịch sử Việt Nam.
Lam Sơn - Lam Kinh, quê hương của anh hùng Lê Lợi, là
vùng đất khởi nghiệp của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nơi
tụ hợp hào kiệt bốn phương phất cờ khởi nghĩa do Bình
Định vương Lê Lợi lãnh đạo (1418). Đông Đô - Đông Kinh
(Đông Quan) là nơi diễn ra những trận đánh then chốt
quyết định của nghĩa quân Lam Sơn, vây hãm quân
Minh và buộc Vương Thông (chủ tướng quân Minh)
phải xin cầu hòa, rút quân về nước (1427). Khởi nghĩa
Lam Sơn toàn thắng.
Sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, tiếp nối các
vương triều Lý, Trần, đức vua Lê Thái Tổ đã lựa chọn
Thăng Long - Đông Đô là Kinh đô của quốc gia Đại Việt
(năm 1428) và cho đổi tên thành Đông Kinh vào năm 1430.
Lam Sơn được đổi tên thành Lam Kinh, được xây dựng
trở thành sơn lăng, nơi thờ cúng của các Hoàng đế,
Hoàng Thái hậu thời Lê sơ. Các vua đầu triều Lê sơ đã
cho xây dựng nhiều cung điện tại đây. Hàng năm, Xuân
Thu nhị kỳ nhà Vua và Hoàng tộc đều về bái yết.
Kỷ niệm 595 năm chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam
Sơn, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và
Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh phối hợp tổ chức
trưng bày “Đông Kinh - Lam Kinh thời Lê” nhằm giới
thiệu khái quát nhất về vai trò, mối liên hệ giữa Kinh đô
Đông Kinh (Thăng Long - Đông Đô) và vùng đất Lam
Kinh (Lam Sơn) dưới vương triều Lê.