“Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch mới không thể nào tiêu diệt được”. Đó là lời Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần với đồng chí Võ Nguyên Giáp trong đêm trước ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Từ những ngày đầu tham gia phong trào bãi khóa cùng học sinh trường Quốc học Huế, đến khi là một thầy giáo đứng trên bục giảng truyền ngọn lửa yêu nước trong lòng học sinh qua mỗi bài dạy, hay một nhà báo đấu tranh bằng ngòi bút sắc sảo, ông đã “lựa chọn được con đường của mình”. Con đường ấy được soi sáng thêm bằng lí tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp khi gặp gỡ Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Côn Minh – Trung Quốc. Trong suốt quá trình ông về nước nhận nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, sự đùm bọc của nhân dân đồng bào các dân tộc đã góp phần to lớn nuôi dưỡng cho đội quân của ông từ trứng nước đến trưởng thành. Cũng chính đội quân ấy đã chớp thời cơ đứng lên cùng nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 là một mốc son chói lọi, là biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc và là vinh quang cao nhất của đội quân cách mạng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân đấu tranh”.
Tưởng chừng như không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức mạnh của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới. Vinh quang đời đời thuộc về nhân dân Việt Nam anh hùng, thuộc về Ðảng Cộng sản Việt Nam quang vinh…”. (Tổng tập Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
“Kẻ địch mạnh thì ta tránh chúng. Kẻ địch yếu thì ta đánh chúng. Nơi nào có du kích là có mặt trận, kể cả sau phòng tuyến địch. Đối phó với trang bị tối tân của chúng,
chúng ta có chủ nghĩa anh hùng vô bờ bến”.
(Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
Sau chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn với Trung ương phong quân hàm cho một số cán bộ quân đội, trong đó có hàm Đại tướng cho Đồng chí Võ Nguyên Giáp. Năm đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp 37 tuổi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 4/10/2013) là người học trò gần gũi, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử. Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước, thì tại làng An Xá, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình Võ Nguyên Giáp ra đời. Và 29 năm sau, năm 1940, bánh xe lịch sử đã gắn cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Nguyên Giáp với sự lãnh đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (tức Nguyễn Tất Thành), sau cuộc gặp mặt tại Thúy Hồ (Côn Minh, Trung Quốc).
Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khởi đầu từ năm 1944, với sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Từ 34 chiến sĩ đầu tiên “từ nhân dân mà ra”, đội quân đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã trải qua những năm tháng “chiến đấu trong vòng vây” của kẻ thù; trưởng thành vượt bậc qua từng trận đánh, từng chiến dịch; và đánh bại thực dân Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, cùng sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, tại Tổng Hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục chỉ đạo các Tư lệnh của các mặt trận và toàn quân, từng bước đánh bại âm mưu về chính trị, quân sự của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa; góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự người Anh, Peter Macdonald viết: “Từ năm 1944 - 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.
Tuy nhiên, trong tâm niệm của vị Tổng Tư lệnh thì: “Quân đội Nhân dân Việt Nam ở cả miền Bắc và miền Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng... Vị tướng có công lao đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”.