01. Địa điểm: Nút giao giữa đường La Thành, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng và phố Khâm Thiên.
02. Tên gọi khác: Cửa ô Thịnh Quang, cửa ô Thịnh Hào, cửa ô Chợ Dừa, cửa ô Cầu Dừa, cửa ô Vũ Quan, cửa ô Thổ Quan, Porte du Roi.
03. Tọa độ:
Vĩ độ Bắc:
21°01'07.8"
Kinh độ Đông:
105°49'48.2"
04. Phường: Ô Chợ Dừa
05. Quận: Đống Đa
06. Thành Phố/Tỉnh: Hà Nội
07. Quốc gia: Việt Nam
08. Hiện trạng: Không còn
09. Ảnh
10. Tổng quan:
Gọi là cửa ô Chợ Dừa vì gần cửa ô có Chợ Dừa. Gọi là cửa ô Cầu Dừa vì ngày xưa ở đây có cầu Dừa bắc qua hào để đi vào trong thành. Gọi là cửa ô Thịnh Quang vì cửa ô thuộc phường Thịnh Quang. Khi phường Thịnh Quang đổi là phường Thịnh Hào thì lại gọi là cửa ô Thịnh Hào. Theo Đỗ Văn Ninh (2004: 33) còn có tên là cửa ô Thổ Quan vì có lúc có liên quan đến phường Thổ Quan. Trong các tên gọi này, tên cửa ô Chợ Dừa là phổ biến hơn cả.
Vị trí hiện nay được xác định là cửa ô Chợ Dừa tại ngã 5, nút giao giữa đường La Thành với phố Tôn Đức Thắng, phố Nguyễn Lương Bằng và phố Khâm Thiên thuộc phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Phía Đông Nam cách cửa ô Kim Hoa khoảng 1,7km, cách cửa ô Cầu Giấy khoảng 1,6km về phía Bắc và cách ô Yên Hoa khoảng 4,7km về phía Bắc.
Trong sử sách Việt Nam, đã nhiều lần cửa ô Chợ Dừa được nhắc đến. Theo ghi chép của nhà sử học Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê trong Đại Việt sử ký Toàn thư: "Mùa đông, tháng 11, trị tội những kẻ đại nghịch là bọn tên Hân. Tên Hân bị chém ở cầu Giang Khẩu, tên Trù ở cửa thành chợ Dừa, tên Tổng ở cửa thành Tây Dương, tên Dung ở cửa thành Vạn Xuân."; "Tháng 2, họ Mạc thấy quan quân mỗi ngày một mạnh, liền bàn định kế đánh giữ. Hạ lệnh cho quân dân các huyện trong bốn trấn đắp thêm ba lớp lũy ngoài thành Đại La ở Thăng Long, bắt đầu từ phường Nhật Chiều vượt qua Hồ Tây, qua cầu Dừa đến cầu Dền suốt đến Thanh Trì, giáp phía tây bắc sông Nhị Hà, cao hơn thành Thăng Long đến vài trượng, rộng 25 trượng, đào 3 lớp hào, đều trồng tre, dài tới mấy mười dăm để bọc lấy phía ngoài thành." và "bọn Bùi Văn Khuê, Trần Bách Niên đem quân bốn vệ giữ cửa Cầu Dừa, qua cửa Cầu Muống đến thẳng cửa Cầu Dền, chia đinh thứ, ngày đêm đóng cửa cố thủ trong thành Đại La để chống giữ".
Trong chuyến đi lên kinh vào năm 1782 - 83, Lê Hữu Trác đã ghi chép khá cụ thể về một đoạn thành ở cửa ô Vũ Quan (tức cửa ô Chợ Dừa sau này) như sau: “Nhìn thấy một dãy thành đất không cao lắm. Bên cạnh là một tường nhỏ, mặt trên là đường xe ngựa đi, mé ngoài có hàng rào tre dày kín. Dưới có hào sâu, trong hào rải đầy chông chà, rất là kiên cố, thành có 3 lần công ngăn. Lần công nào cũng có lính gác hai bên, gươm giáo sáng loáng" (Nguyễn Thừa Hỷ 2010: 66).
11. Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Thừa Hỷ (2010), Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII-XIX, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, tr. 65-66.
- Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê (1993), Đại Việt sử ký Toàn thư, Bản kỷ toàn tư, Quyển VI - Kỷ nhà Trần, Tập II, Nxb. Khoa học Xã Hội, Hà Nội, tr. 164, 172.
Ngày lập phiếu: 21/09/2024
Người lập phiếu
Lê Văn PhúcChuyên gia giám định
TS Nguyễn Hữu Mạnh