Logo Hoàng Thành Thăng Long

Cửa Ô: Thanh Bảo

Thông tin di tích

01. Địa điểm: Ngã tư nút giao giữa phố Sơn Tây với phố Ngọc Hà và phố Thanh Bảo.

02. Tên gọi khác: Cửa ô Thanh Bảo, cửa ô Vạn Bảo, cửa ô Lục Ninh, cửa ô Ngọc Thanh, cửa ô Sơn Tây, Porte de Sontay.

03. Tọa độ:

Vĩ độ Bắc:

21°01'58.6"

Kinh độ Đông:

105°49'52.9"

04. Phường: Kim Mã

05. Quận: Ba Đình

06. Thành Phố/Tỉnh: Hà Nội

07. Quốc gia: Việt Nam

08. Hiện trạng: Không còn

09. Ảnh

Thanh Bảo

10. Tổng quan:
Cửa ô Cầu Giấy còn có tên là cửa ô Thanh Bảo bởi khi dựng lại cửa ô mới trên đất hai thôn là Thanh Ninh và Vạn Bảo. Cửa ô nằm ở phía Tây thành Hà Nội (thành Thăng Long), ngày nay nằm tại điểm giao giữa phố Sơn Tây và Thanh Bảo. Phía Đông Bắc cách cửa ô Quán Thánh khoảng 1,2km và cách cửa ô Chợ Dừa khoảng 1,6km về phía Nam. Ban đầu dưới thời Lý - Trần, cửa ô phía Tây của vòng thành ngoài cùng có tên là cửa Tây Dương nhưng do bị đổ nát nên sau này cái tên Tây Dương cũng không còn.
Theo ghi chép của nhà sử học Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê trong Đại Việt sử ký Toàn thư "Mùa đông, tháng 11, trị tội những kẻ đại nghịch là bọn tên Hân. Tên Hân bị chém ở cầu Giang Khẩu, tên Trù ở cửa thành chợ Dừa, tên Tổng ở cửa thành Tây Dương, tên Dung ở cửa thành Vạn Xuân".
Dưới thời chúa Trịnh Doanh (1749), cho đắp đất bao quanh thành Thăng Long gọi là thành Đại Độ, lúc này xây cửa ô phía Tây mới trên đất làng Thanh Ninh và Vạn Bảo nên gọi là cửa ô Thanh Bảo. Quãng thế kỷ XIX, nhân dân làng giấy An Hòa rủ nhau tới đất ô Thanh Bảo lập quán bán hàng; chữ "Giấy" ở trong "Cầu Giấy" không phải là tên cây cầu bắc qua sông Tô Lịch mà ý chỉ ở đây là cầu chợ, vậy nên từ đó cũng có tên gọi ô Thanh Bảo là ô Cầu Giấy.
Đặc biệt, theo dòng chảy lịch sử, cửa ô Cầu Giấy chính là chứng nhân lịch sử, chứng kiến những đau thương mất mát, sự hy sinh của quân và dân Việt Nam và cũng chứng kiến những khoảnh khắc mà đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản thủ đô năm 1954. Cựu chiến sĩ "cảm tử quân" của Trung đoàn Thủ đô, ông Bạch Văn Hạnh chia sẻ "Các đơn vị thuộc Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu đội hình bộ binh hành tiến từ Mai Dịch, Ô Cầu Giấy, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, ra Bờ Hồ, Đồng Xuân, Cửa Bắc vào thành Hà Nội. Phía nam, đội hình bộ binh, cơ giới của Đại đoàn 308 hùng dũng diễu qua Bạch Mai, Phố Huế, Tràng Tiền".

11. Tài liệu tham khảo:
- Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1993), Đại Việt sử ký Toàn thư, Bản kỷ toàn tư, Quyển VI - Kỷ nhà Trần, Tập II, Nxb. Khoa học Xã Hội, Hà Nội, tr. 94.
- Đỗ Văn Ninh (2004). “Những hiểu biết mới về thành Thăng Long”, số chuyên đề về Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, 4 (130) (VII - VIII), Khảo cổ học, tr. 21 - 35.
- Nguyễn Vinh Phúc (2005), Hà Nội - cõi đất, con người, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, tr. 109.
- Nguyễn Thừa Hỷ (2010), Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII-XIX, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, tr. 67-68.
- Nguyễn Văn Uẩn (1986), Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20, Tập 1, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, tr. 138.

Chia sẻ