01. Địa điểm: Khu vực phố Tràng Tiền giao với Quảng trường Cách mạng tháng 8.
02. Tên gọi khác: Cửa ô Tây Luông, cửa ô Tây Long, cửa ô Trường Long, cửa ô Cựu Lâu.
03. Tọa độ:
Kinh độ Đông:
105°51'26.0"
04. Phường: Tràng Tiền
05. Quận: Hoàn Kiếm
06. Thành Phố/Tỉnh: Hà Nội
07. Quốc gia: Việt Nam
08. Hiện trạng: Không còn
09. Ảnh
10. Tổng quan:
Cửa ô Tràng Tiền còn có tên gọi khác là cửa ô Tây Luông, cửa Tây Long, cửa ô Trường Long, cửa ô Cựu Lâu, nằm ở phía Đông Nam của thành Hà Nội (Thành Thăng Long). Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc (1975): "ô Tây Luông nay là khu Nhà hát lớn”. Vị trí của ô Tràng Tiền hiện nay được xác định tại khu vực cuối phố Tràng Tiền chạy từ phía đường Trần Khánh Dư vào, tại quãng giao với Quảng trường Cách mạng tháng 8, thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Phía Tây Bắc cách cửa ô Đông An khoảng 830m và cách cửa ô Nhân Hòa khoảng 730m về phía Đông Nam.
Theo “Thăng Long cổ tích khảo”, cửa ô này có kích thuớc rộng nhất so với các cửa ô khác ở Hà Nội (cửa trong rộng hai tầm hai thuớc). Còn Audré Massan (2009) mô tả: “Cổng được trổ ra từ một tường dày [ý nói đến bức lũy đê], phía trên có lan can, công nằm giữa hai trụ, bên trên đắp tượng hai con nghê. Kiến trúc đơn giản nhưng oai nghiêm”. Chúng ta cũng lưu ý rằng, trong tranh vẽ, các cửa ô chỉ là những cổng có trụ, mà không có cánh cửa đóng. Những lần quân Tây Sơn ra Bắc diệt Trịnh (1786) và quân Tôn Sĩ Nghị rút chạy khỏi Thăng Long (1789) đều đi qua cửa ô này (Nguyễn Thừa Hỷ 2010: 66-69).
11. Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Thừa Hỷ (2010), Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII-XVIII-XIX, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, tr. 66-69.
- Nguyễn Vinh Phúc (1975), “Các cửa ô ở Hà Nội”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 160 (1/1975), tr. 60-65.
- Audré Massan (2009), Hà Nội giai đoạn 1873 - 1888, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, tr. 121